Thủy thủ ra khơi bằng công nghệ mô phỏng

Một con tàu chở container khổng lồ đang tiến vào cảng, xung quanh là vô số tàu bè đủ loại đi lại. Bất chợt, một chiếc tàu dài ngoằng nằm chắn ngang khiến cho thủy thủ phải nhanh chóng xử lý để tránh đâm sầm vào nó. Nhưng may sao đó chỉ là cảnh tượng mô phỏng dành cho sinh viên ở ĐH Hàng hải VN. Buồng lái mô phỏng.

“Buồng lái” giả lập có cụm máy chủ điều hành và cũng là nơi giảng viên ra bài tập cho học viên thông qua mạng nội bộ. Với mỗi bài tập (được lập trình sẵn hoặc chỉnh sửa theo ý của giáo viên), các thủy thủ tương lai sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cá nhân hoặc theo nhóm như trên một con tàu thực thụ. Trước mặt họ là ba màn hình lớn ghép vào nhau theo góc 135 độ, thể hiện những bối cảnh như thật của các vùng biển mà sau này ra công tác họ sẽ đi qua. Học viên sẽ được điều khiển 67 loại tàu, từ tàu chở hàng cho đến chở dầu, container cồng kềnh… tải trọng từ 10.000 tới 100.000 tấn. Họ phải kết hợp các kỹ năng để lái tàu, tránh va chạm với các tàu khác trong nhiều tình huống bất ngờ và điều kiện thời tiết khác nhau. Những thiết bị kết hợp như rada và hải đồ điện tử đặt ở hai bên là nơi học viên quan sát vị trí của con tàu trong mối liên hệ với bối cảnh xung quanh. Phần mềm mô phỏng này được viết bằng ngôn ngữ Visual C + + và kết hợp đồ họa 3D. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Phước, Phó giám đốc Trung tâm mô phỏng của ĐH Hàng hải, các thiết bị và phần mềm này đã khiến cho học viên thấy hấp dẫn, tiếp thu bài tốt hơn, ghi nhớ lâu hơn các thao tác. “Công nghệ mô phỏng đã giúp chúng tôi làm được những điều mà trên thực tế không thể thực hiện được. Ví dụ như việc cho sinh viên lái tàu, tránh va chạm chẳng hạn - nếu xảy ra sự cố thật thì chi phí sẽ vô cùng lớn”, ông nói. Khoang lái và bối cảnh được tái tạo như trên thực tế. (Game Thủ.net) Ngoài mô phỏng lái, điều động tàu và RADA/ARPA, Trung tâm còn có các phòng mô phỏng GMDSS (hệ thống thông tin an toàn hàng hải toàn cầu), buồng máy ERS, nồi hơi tua bin SES, bảng điện chính MSB, khởi động điện và đấu nối mạch điện AC Starter, hệ thống tự động điều chỉnh Automation Control System. Trung tâm mô phỏng của trường được thành lập từ tháng 2/2001 nhờ nguồn vốn ODA (Nhật Bản) với các trang thiết bị do dự án JICA cung cấp. Sau 4 năm tiến hành thử nghiệm (2001-2004), ĐH Hàng hải đã được chuyển giao toàn bộ công nghệ này. Để liên tục cập nhật các bối cảnh cho giống với thực tế, trung tâm phải dùng đến hải đồ điện tử do các công ty chuyên nghiệp thiết kế. Một bối cảnh mà học viên thao tác là sự kết hợp của vô vàn ảnh chụp cảnh thật ngoài biển cả, các thông số đo luồng lạch, độ sâu, vị trí… của những đối tượng xuất hiện trong đó. Hiện nay, công nghệ mô phỏng kết hợp phần mềm tương tác và các thiết bị liên quan đã được áp dụng từ lâu trên thế giới và cũng được đưa vào giảng dạy nhiều hơn trong các trường đại học. ĐH Hàng hải Việt Nam là một trong những cơ sở áp dụng thành công mô hình này trong các lĩnh vực lái tàu biển, điều khiển máy… Phó giám đốc Trung tâm mô phỏng của ĐH Hàng hải cho biết, sắp tới, trường sẽ đưa tiến bộ này vào nhiều lĩnh vực đào tạo khác.

(Theo Game Thủ.NET)

Copyright 2011 Mô phỏng Việt Nam - Thủy thủ ra khơi bằng công nghệ mô phỏng . Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ Mô phỏng Việt Nam
Template Joomla 1.7 by Wordpress themes free